Slogan
Thị trường BĐS tiềm ẩn nguy cơ tăng giá!

Tăng giá thép sẽ tác động tới thị trường 

Theo quyết định của Bộ Công Thương, mức thuế tạm thời đối với phôi thép là 23,3%, thép dài là 14,2% dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung. Trước đó, thuế nhập khẩu đối với phôi thép là 10%, thép dài 0%-5%. Sau khi Bộ Công Thương ban hành quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam, giá thép trong nước tăng mạnh và thị trường có hiện tượng găm hàng, đầu cơ.

Lý giải về điều này, Bộ Công Thương cho rằng đây có thể là hiện tượng xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn do tâm lý tích trữ của các nhà nhập khẩu và các doanh nghiệp tiêu thụ thép trên thị trường.

Mặc dù vậy, việc giá thép tăng đã ảnh hưởng trực tiếp dến các doanh nghiệp BĐS và các nhà thầu xây dựng, gây tâm lý hoang mang trong thời gian vừa qua.Thép và xi măng đóng vai trò quan trọng đối với việc cấu thành sản phẩm đặc biệt là khi dự án đang triển khai xây dựng phần móng và phần trụ của dự án.

 

Giá BĐS có thể tăng nhẹ trong thời gian tới

 

Giá thép tăng lên sẽ buộc các doanh nghiệp đầu tư xây dựng phải có sự cân đối về mức giá chào bán ra thị trường vì khi giá đầu vào tăng cao thì giá bán ra cũng phải tăng lên để cân đối lợi nhuận cho doanh nghiệp.Một trong các giải pháp nhà thầu này đưa ra là với các dự án đang dự thầu bắt buộc phải tăng giá.

Đại diện một công ty xây dựng cho hay, thép và xi măng thường chiếm khoảng 30%-40% cấu thành giá sản phẩm. Do đó giá thép tăng đột biến chắc chắn sẽ đẩy giá nhà tăng, đồng thời làm vỡ kế hoạch kinh doanh, thậm chí gây lỗ nặng cho nhà đầu tư.Đối với nhà ở xây dựng riêng lẻ, thép chiếm khoảng 20% tổng giá trị phần thô, do đó giá thép tăng cũng làm ảnh hưởng đến thị phần này.Đó cũng là lý do nhiều nhà thầu không muốn nhận thêm các công trình phải thi công phần móng, bởi đây là công đoạn phải sử dụng quá nhiều thép và VLXD khác.

Theo ông Lê Hữu Nghĩa, TGĐ Công ty Xây dựng Lê Thành, thép tăng trong giai đoạn ngắn hạn thì nhà thầu là người chịu hậu quả vì hầu hết các dự án đang xây dựng giai đoạn này đều giao hết cho nhà thầu nên đơn giá bất động sản chưa có gì biến động.

Nhưng nếu vẫn giữa mức tăng này, trong tháng sau chủ đầu tư phải chia sẻ rủi ro đó với nhà thầu. Việc đó đồng nghĩa chủ đầu tư các dự án sẽ phải tính toán lại giá bất động sản nên chắc chắn có sự thay đổi.

Bên cạnh đó, sẽ có tác động dây chuyền, giá thép nguyên liệu tăng cũng sẽ khiến nhiều loại vật liệu, phụ kiện... có liên quan đến đầu vào là thép sẽ tăng theo. Tác động dây chuyền sẽ khiến nguyên liệu đầu vào của xây dựng nhà lên một mặt bằng mới.

Ảnh hưởng từ việc siết tín dụng

Thời gian vừa qua, thị trường BĐS đang "nóng hừng hực" với Thông tư 36. Trên thực tế đã có nhiều quan điểm, ý kiến sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-Ngân hàng Nhà nước, trong đó có dự kiến giảm mạnh trần dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn từ 60% hiện tại xuống còn 40% và nâng cao hệ số rủi ro của những khoản phải đòi về BĐS từ 150% lên thành 250%.

VNREA cho biết, thị trường BĐS mới hồi phục, chỉ có một số dự án BĐS tốt ghi nhận thanh khoản cao, còn hầu hết nhiều dự án vẫn gặp khó khăn. Nếu như điều chỉnh Thông tư 36 sẽ có tác động tiêu cực tới thị trường BĐS Việt Nam, ảnh hưởng xấu tới nhiều thị trường khác có liên quan. Làm như vậy, cả nền kinh tế có thể bị tác động xấu...Ngày 24/2/2016, Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) đã có văn bản gửi Thống đốc Ngân hành Nhà nước và các cơ quan, ban ngành kiến nghị chưa nên tiến hành sửa đổi Thông tư 36.

Với khả năng tín dụng BDS bị siết lại, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, các ngân hàng thương mại được dự kiến sẽ có những hành vi như sau: các ngân hàng sẽ tăng lãi suất cho vốn huy động trung và dài hạn để có nguồn vốn đáp ứng nhu cầu cho vay BDS trung và dài hạn. Do đó lãi suất cho vay BDS có khả năng sẽ tăng.

Khả năng thứ hai, vì hệ số rủi ro cho tín dụng BDS tăng cao (từ 150% lên 250%) sẽ buộc các ngân hàng phải siết lại cho vay BDS hoặc tăng vốn tự có. Điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng và do đó có khả năng các ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất cho vay để bù trừ cho lợi nhuận bị thiệt hại.

"Chính vì thế lãi suất cho vay BĐS trong thời gian tới nếu việc sửa đổi thông tư 36 được thực hiện sẽ có khả năng gây bất lợi cho các nhà kinh doanh và đầu tư BDS và cả người mua BDS vì giá BDS có thể sẽ tăng, và việc vay vốn ngân hàng sẽ bị hạn chế", TS. Hiếu nói.

(Theo Trí thức trẻ)


Meinhardt
Artelia
mace
arup
Aurecon
Aedas
Gensler
Atkins